Câu 1: Kem chống nắng là gì?
Kem chống nắng là sản phẩm có chứa tác nhân bảo vệ da, chống lại ảnh hưởng của các tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời, được thể hiện bằng chỉ số SPF (Sun Protection Factor – thời gian chống nắng) và PA (Protection Grade of UVA – cường độ bảo vệ da khỏi tác hại khỏi tia UVA). Chỉ số này xác định khả năng ngăn chặn tia tử ngoại (còn gọi là tia cực tím hay tia UV).
Tia tử ngoại (UV) chia làm 3 loại chính: UVA, UVB và UVC. Ở cường độ nhẹ (lúc nắng sớm), tia cực tím có tác dụng tốt với sức khỏe như kích hoạt sản xuất vitamin D hoặc giúp điều trị bệnh vảy nến và một số bệnh ngoài da khác. Ngược lại ở cường độ mạnh thì tia cực tím có nhiều tác hại.
Hãy thử để một hộp nhựa ngoài nắng, sau một tháng sẽ thấy chúng nhạt màu và có nhiều vết rạn (trừ khi các sản phẩm đó được thêm chất hấp thụ tia UV). Đó chính là do sự phá hoại của tia tử ngoại.
Tia UVA luôn hiện diện bất kể mùa nào trong năm, cho dù trời nắng hay không, vì thế khi trời râm mát thì tia UVA vẫn làm tổn hại đến da mà chúng ta không biết). UVA xuyên được qua kính và nhiều loại vải.
Mặc dù UVA không làm đen da nhưng lại tác động vào phần thân bì, tạo ra các gốc tự do làm phá huỷ collagen và elastin gây lão hoá da. Nói tóm lại, khi nghĩ đến UVA, hãy nghĩ đến những vết nám, vết nhăn và sự lão hóa da.
Tia UVB tác động vào lớp biểu bì (lớp da ngoài cùng), là tác nhân chính gây cháy nắng, đen da và giảm tác dụng của các sản phẩm làm trắng da. UVB có cường độ cao nhất từ 10h đến 15h trong ngày và hoạt động cực mạnh vào mùa hè. UVB không xuyên qua được kính nhưng có thể phản xạ qua kính và mặt nước. Nói đến UVB là nói tới cháy nắng và bỏng rát da.
Tia UVC có khả năng gây ung thư cao nhất nhưng bị tầng ô zôn hấp thụ và phản xạ nên không đến được mặt đất. Tuy nhiên hiện tại có nhiều nơi tầng ô zôn bị thủng hoặc bị mỏng thì nguy cơ từ UVC là rất lớn.
Câu 2: Có phải kem chống nắng chỉ số SPF càng cao thì tốt hơn kem có chỉ số SPF thấp?
Đúng nhưng chưa đủ. Sản phẩm chống nắng có SPF trong khoảng 20-40 thích hợp dùng cho những hoạt động hàng ngày như đi làm, đi học. SPF càng cao sẽ cho phép chúng ta tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian lâu hơn.
Mỗi đơn vị SPF có khả năng bảo vệ làn da châu Á trong khoảng 15 phút.
Ví dụ: Sản phẩm có SPF 40 thì lấy 40 x 15 = 600 phút tương đương với 10 tiếng là thời gian bảo vệ da không bị bắt nắng. Sau thời gian này nếu vẫn còn tiếp xúc với ánh nắng thì chúng ta nên bôi thêm một lần nữa.
Nếu chơi thể thao ra mồ hôi nhiều hoặc khi tắm biển thì nên thoa lại kem chống nắng.
Câu 3: Khi trang điểm với các sản phẩm có chỉ số chống nắng khác nhau thì làm sao biết được mình đang được bảo vệ với chỉ số là bao nhiêu?
Chỉ số SPF KHÔNG được cộng dồn lại với nhau mà chỉ lấy SPF của loại cao nhất. Ví dụ khi sử dụng kem nền có chỉ số là SPF15 trong khi phấn phủ là SPF20 thì chỉ số chống nắng cho làn da lúc đó là 20.
Câu 4: Nên bôi kem chống nắng trước hay ngay khi ra nắng?
Bất cứ loại kem chống nắng nào cũng mất từ 20-30 phút để hoàn toàn thẩm thấu và tạo ra bức tường ngăn chặn tia tử ngoại (còn gọi là tia cực tím hay tia UV). Thời điểm tốt nhất để sử dụng kem chống nắng chính là 20 phút trước khi ra nắng và sử dụng sau các bước dưỡng da thông thường và trước bước trang điểm hàng ngày.
Câu 5: Mùa hè nóng bức sử dụng kem chống nắng có làm đổ nhờn và gây ra mụn dưới da không?
Cho dù chúng ta may mắn sở hữu một làn da đẹp và chỉ cần bôi một lớp kem chống nắng là đã đủ tự tin dạo phố thì cũng đừng quên tẩy trang và rửa mặt vào buổi tối nhé. Hãy lưu ý làm sạch da kỹ để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và bã nhờn tích tụ sâu trong lỗ chân lông do làn da đã phải tiếp xúc với ô trường ô nhiễm trong suốt cả ngày dài.. Mùa hè oi bức, hãy lựa chọn những sản phẩm chống nắng có kết cấu nhẹ như dạng gel hoặc các sản phẩm có khả năng làm mát để mang lại cảm giác dễ chịu cho làn da.